Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Hòa giải ly hôn – Mục đích pháp lý và ý nghĩa nhân văn

Trong những vụ việc ly hôn, thủ tục hòa giải ly hôn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là những quy định bắt buộc của pháp luật mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn giúp những người muốn ly hôn nhìn nhận lại kỹ càng hơn về yêu cầu của mình, tránh những trường hợp phải hối tiếc.

1. Mục đích của việc hòa giải

Việc hòa giải là quy định bắt buộc của pháp luật song cung mang những ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tích cực:

Hòa giải ly hôn

Hòa giải ly hôn vừa là thủ tục pháp lý, vừa mang ý nghĩa nhân văn

  • Ý nghĩa nhân văn: nếu như việc yêu nhau chỉ là vấn đề của hai người, hai đối tượng cụ thể thì việc kết hôn lại ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ tình cảm khác như gia đình nội ngoại hai bên, con chung và cả tài sản chung. Chính vì thế, việc ly hôn cần phải được suy xét kỹ càng, không thể là quyết định của cả hai trong những phút nông nổi nóng giận. Khi hòa giải tại Tòa án,  hai bên sẽ được phân tích kỹ càng những điểm đúng, điểm sai của các bên, lỗi của các bên từ đó mà vợ, chồng có được sự nhìn nhận đúng đắn và đa chiều hơn, có thể từ quan điểm của người kia mà nhìn nhận. Họ sẽ có thời gian hàn gắn lại, suy tính kỹ càng trước những lợi và thiệt khi ly hôn. Ly hôn đôi khi là gánh nặng cho một hoặc hai bên và cũng một phần tác động không tích cực lên xã hội, do đó quy định hòa giải bắt buộc mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng khi được Tòa án phân giải đã thông cảm cho nhau hơn và quyết định chung sống tiếp, cho nhau cơ hội.
  • Mục đích pháp lý:  Việc hòa giải là thủ tục bắt buộc để khi giải quyết ly hôn thì Tòa án có thể nắm được cụ thể yêu cầu của các bên, lỗi của từng bên cũng như giúp cả hai thỏa thuận về các vấn đề khác như phân chia tài sản, quyền nuôi con mà không cần Tòa án phải can thiệp phân chia mất thời gian và tiền bạc. Từ đó, quá trình ly hôn sẽ rút ngắn hơn và cân bằng lợi ích của cả hai bên.
Hòa giải ly hôn tại tòa án

Hòa giải ly hôn vừa mang ý nghĩa luật pháp ,vừa mang ý nghĩa nhân văn

2. Thủ tục hòa giải ly hôn tại tòa án

Việc hòa giải tại Tòa án theo quy định của Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải. Trước khi tiến hành phiên hòa giải thì Tòa án sẽ thông báo cho các đương sự biết về địa điểm, thời gian, nội dung các vấn đề cần hòa giải trong phiên hòa giải.

Thành phần tham gia gồm có: thẩm phán – Chủ trì phiên hòa giải, thư ký tòa án, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Phiên hòa giải phải có mặt cả hai vợ, chồng. Trong vụ việc ly hôn theo yêu cầu của hai bên (ly hôn thuận tình), hai bên đều phải có mặt trong buổi hòa giải, nếu một trong hai bên vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên hòa giải. Trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương), thủ tục hòa giải cũng là bắt buộc, trừ trường hợp vụ án ly hôn không tiến hành hòa giải được theo Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể:

“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;

2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng;

3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”.

Khi tiến hành hòa giải, thẩm phán sẽ phổ biến về các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của các bên, phân tích hậu quả pháp lý khi hòa giải thành để các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau.

Thủ tục hòa giải ly hôn

Thư kỳ tòa án sẽ ghi biên bản hòa giải. Nội dung của biên bản gồm ngày, tháng, năm, địa điểm, thời gian tiến hành hòa giải, nội dung các bên đã thỏa thuận, nội dung không thỏa thuận được. Biên bản phải có chữ ký của các bên tham gia và thư ký tòa án, thẩm phán phiên hòa giải.

Khi hòa giải không thành, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

3. Các câu hỏi thường gặp về hòa giải hôn nhân?

3.1. Thuận tình ly hôn có cần hòa giải không?

Việc hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 52 luật hôn nhân gia đình được khuyến khích thực hiện: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”

Như vậy, việc hòa giải cơ sở là do nhà nước khuyến khích chứ không bắt buộc vì thế vợ, chồng có thể hòa giải hoặc không hòa giải tại cơ sở.

Tuy nhiên, khi giải quyết thủ tục ly hôn thì việc hòa giải tại Tòa án là bắt buộc theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Vì vậy, dù là ly hôn đơn phương hay ly hôn thuận tình đều cần hòa giải tại Tòa án.

3.2. Ly hôn đơn phương hòa giải mấy lần?

Pháp luật hôn nhân gia đình 2014 đã có quy định tại Điều 54 về việc hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định cụ thể về số lần hòa giải khi ly hôn, kể cả là khi ly hôn đơn phương. Thực tế việc hòa giải bao nhiêu lần căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ án ly hôn cũng như những vấn đề cần phải giải quyết. Không quy định cụ thể số lần như vậy giúp cho Tòa án có cơ chế linh hoạt khi tổ chức những buổi hòa giải khác nhau với từng vụ việc cụ thể.

Thông thường, với những vụ án ly hôn đơn phương, việc hòa giải tại Tòa có thể diễn ra từ 2-3 lần trước khi Tòa đưa ra xét xử. Việc hòa giải phải có mặt của cả hai bên nên nếu một trong các bên vắng mặt sẽ làm thời gian hòa giải kéo dài hơn do phải hoãn phiên hòa giải.

3.3. Hòa giải ly hôn cơ sở là gì?

Việc hòa giải ly hôn ở cơ sở được quy định tại Điều 52 luật hôn nhân và gia đình. Theo đó thì Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, có thể thấy, việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc. Cơ sở ở đây được hiểu là gồm xã, phường, thị trấn, cụm dân cư, sóc, buôn, làng, thôn, bản, ấp, phum…

Hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích. Việc hòa giải này nhằm mục đích giúp các bên tự giải quyết mâu thuẫn và những tranh chấp, vi phạm nhỏ, giữ gìn, củng cố tình đoàn kết trong nhân dân, phát huy và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình.

Việc ly hôn chưa bao giờ là dễ đặc biệt là khi bạn không nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như các giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị… Chính vì thế, khi đứng trước việc ly hôn, bạn nên nhờ sự tư vấn hoặc trợ giúp pháp lý của các luật sư tư vấn ly hôn.

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự sẽ giúp bạn giải quyết vụ án ly hôn của mình một cách nhanh nhất và giành được lợi ích tối đa cho bạn. Từ kinh nghiệm khi tham gia vào các vụ án ly hôn trên thực tế, các luật sư và chuyên viên pháp lý của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự đã có được những cách thức và phương pháp hiệu quả giúp bạn giải quyết nhanh chóng và thuận tiện việc ly hôn. Để nhận được sự tư vấn ly hôn và trợ giúp pháp lý chính xác và tận tình, bạn có thể liên hệ với

Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự

Địa chỉ: Phòng 324, số 142 đường Lê Duẩn, P. Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 091 789 4567

Email: luatsulehonghien@gmail.com

The post Hòa giải ly hôn – Mục đích pháp lý và ý nghĩa nhân văn appeared first on Dịch vụ ly hôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét