Trong các vụ án ly hôn, bên cạnh việc tranh chấp tài sản chung thì việc tranh chấp quyền nuôi con cũng là một cuộc chiến không khoan nhượng. Xuất phát từ tình thương yêu dành cho con, cả vợ và chồng đều muốn là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, việc ai có quyền trực tiếp nuôi con còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là bằng chứng. Vụ việc dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Tóm tắt vụ việc, bản án
Vụ việc có tên là “Tranh chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” thuộc bản án số 46/2018/HNGĐ-ST do Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang giải quyết.
Nguyên đơn là anh Nguyễn Trung K, sinh năm: 1993 (có mặt). Địa chỉ : ấp Phước N, xã Mong Th, huyện Châu Th, tỉnh Kiên Giang.
Bị đơn là chị Lâm Cẩm T, sinh năm 1996 (có mặt). Địa chỉ: ấp Phước N, xã Mong Th, huyện Châu Th, tỉnh Kiên Giang. Nơi ở hiện nay: 14A, ấp Tân Đ, xã Giục T, huyện Châu Th, tỉnh Kiên G.
Nguyên đơn trình bày như sau: Năm 2016 anh và chị Lâm Cẩm T có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Về con chung, Toà án đã quyết định giao con chung thứ nhất của hai anh chị là cháu Nguyễn Thị Trúc Ch cho chị T chăm sóc, nuôi dưỡng. Giao con thứ hai là cháu Nguyễn Thị Quế Ch sinh ngày 28-12-2014 cho anh K chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, từ sau khi ly hôn đến nay, anh K có đến thăm cháu Trúc Ch nhiều lần và thấy chị T không đủ khả năng nuôi con. Lý do:
- Chị T đi làm từ sáng sớm đến chiều tối mới về;
- Chị T gửi cháu Ch ở nhà trẻ kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật;
- Chị T không có nhà, phải thuê nhà trọ để ở và thường xuyên đi làm đến tối nên không đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu T.
Vì vậy, anh K yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết cho anh được trực tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Ch.
Chị Lâm Cẩm T có ý kiến như sau: Từ khi ly hôn đến nay anh K nhiều lần gởi đơn nói chị không có đủ điều kiện để nuôi con là không hợp lý. Lý do:
- Chị có công việc ổn định, có đủ khả năng để lo cho tương lai của con.
- Thời gian đi làm của chị không như anh K đã trình bày, có thời gian, đảm bảo bố trí thời gian chăm sóc và vui chơi cho con
Tại phiên tòa, chị Lâm Cẩm T có yêu cầu: Không đồng ý với yêu cầu khởi kiện xin thay đổi người trực tiếp nuôi con của anh Nguyễn Trung K, chị vẫn mong muốn được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng cháu Trúc Ch, không đồng ý giao con lại cho anh K chăm sóc, nuôi dưỡng.
QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của nguyên đơn anh Nguyễn Trung K đối với bị đơn chị Lâm Cẩm T.
- Chị Lâm Cẩm T được quyền tiếp tục trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người con tên Nguyễn Thị Trúc Ch, sinh ngày 28-12-2014.
- Chị Lâm Cẩm T và anh Nguyễn Trung K đều có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con theo quy định của pháp luật.
- Người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Vì lợi ích của con chưa thành niên, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con khi có đơn yêu cầu.
2. Nhận định của Luật sư
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể thấy như sau: Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên. Ở vụ việc này, cháu Nguyễn Thị Trúc Ch chưa thành niên, do đó, việc chăm sóc cháu đặt ra cho cả anh K và chị T.
Khi quyết định ly hôn, mỗi bên sẽ tự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ nuôi con. Về nguyên tắc, vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Vì vậy, thay vì phải “nhờ” Tòa án giải quyết, anh K có thể thỏa thuận với chị T để có quyền trực tiếp nuôi cháu Ch. Trong trường hợp không thỏa thuận được với nhau thì vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.
Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sẽ được Toà án quyết định khi có một trong các căn cứ sau:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con phải đáp ứng các điều kiện để con có thể phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần một cách tốt nhất.
Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con sau khi ly hôn, điều quan trọng nhất là cần phải đảm bảo lợi ích của con. Việc này đòi hỏi cần phải có những chứng cứ xác thực để Tòa án có thể đưa ra phán quyết xem ai sẽ là người được trực tiếp nuôi con. Như trong vụ việc này, yêu cầu của người chồng không được Tòa án chấp nhận bởi thiếu các chứng cứ cần thiết để chứng minh rằng chị T không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng cháu Trúc Ch. Cụ thể hơn, khi Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ thì thấy rằng cháu Ch vẫn phát triển bình thường và chị T vẫn có thu nhập ổn định để nuôi cháu. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án “bác bỏ” yêu cầu của anh K là có cơ sở.
Trên thực tế, có thể những điều mà anh K trình bày là sự thật nhưng do không cung cấp được đầy đủ chứng cứ nên Tòa án không có cơ sở để xem xét. Vì vậy, khi đưa ra yêu cầu, việc cung cấp những chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là điều vô cùng quan trọng.
Như vậy, có thể thấy rằng vai trò của luật sư trong các vụ việc tương tự là hết sức quan trọng. Vì thế cần phải có phương án tư vấn từ luật sư để hiểu các quy định của pháp luật và sự tham gia của luật sư vào vụ án sẽ giúp bạn thu thập các chứng cứ để chứng minh các điều kiện về vật chất lẫn tinh thần để có thể đảm bảo việc nuôi con sau khi ly hôn. Các luật sư là những người có nhiều kinh nghiệm trong thực tế khi giải quyết các vụ việc ly hôn tương tự. Luật sư sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên chính xác, giúp bạn hoàn thành thủ tục hồ sơ nhanh chóng và trên hết là giúp bạn đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp.
Có luật sư đồng hành bên mình trong quá trình ly hôn chính là một sự chuẩn bị tốt nhất khi bạn có ý muốn ly hôn. Các luật sư và chuyên viên pháp lý đến từ Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho khách hàng có nhu cầu thông qua Hotline tư vấn miễn phí 24/24: 0917894567 – Điện thoại: 0243 200 7447 hoặc website: https://dichvulyhonhanoi.vn.
>> Bài viết liên quan:
The post Để tranh chấp quyền nuôi con, cần phải có bằng chứng appeared first on Dịch vụ tư vấn ly hôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét