Thủ tục ly hôn ở Nhật Bản
Mỗi quốc gia đều có những quy định đặc thù riêng về những điều kiện ly hôn cũng như các trình tự thủ tục liên quan đến vấn đề này. Cùng tìm hiểu những thủ tục ly hôn ở một trong số những quốc gia châu Á có lượng người Việt Nam kết hôn và sinh sống nhiều nhất – Nhật Bản qua bài viết dưới đây.
1. Chế định ly hôn theo pháp luật Nhật Bản
Chế định ly hôn được quy định tại mục 4, phần IV Bộ luật dân sự hiện hành của Nhật Bản (Đạo luật số 89 ban hành ngày 27/8/1896).
Có 2 cách thức để ly hôn ở Nhật Bản đó là ly hôn đồng thuận và ly hôn đơn phương
Ly hôn theo thỏa thuận:
Giống với trường hợp ly hôn thuận tình theo pháp luật Việt Nam, ly hôn theo thỏa thuận ở Nhật Bản là trường hợp các bên tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân và cùng nhau thỏa thuận được các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con và quyền tài sản.
Ly hôn đơn phương
Điều 770 Bộ luật dân sự Nhật quy định 5 căn cứ để giải quyết cho ly hôn đơn phương là:
- Vợ/chồng vi phạm nghĩa vụ chung thủy;
- Bị vợ/chồng bỏ rơi với ý đồ không thiện chí;
- Không có tin tức xác thực về việc vợ/chồng mình còn sống hoặc đã chết từ 3 năm trở lên;
- Vợ/chồng mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng không có khả năng phục hồi;
- Nguyên nhân khác khiến đời sống hôn nhân không thể tiếp tục.
Tuy nhiên, Tòa án có thể bác bỏ vụ kiện nếu xét thấy việc tiếp tục quan hệ hôn nhân giữa các bên là hợp lý có tính đến mọi hoàn cảnh liên quan.
Sau khi ly hôn, người đàn ông có thể tái hôn ngay nhưng người phụ nữ chỉ được tái hôn sau 06 tháng. Quy định này được đưa ra nhằm giảm gánh nặng cho quan tòa khi xét xử trong trường hợp người phụ nữ cấn thai ngay sau khi ly hôn.
Nhưng cũng có một số trường hợp ngoại lệ cho phép người phụ nữ được tái hôn mà không phải chờ hết thời hạn 06 tháng như sau:
- Sau khi ly hôn người phụ nữ có thai và chứng minh được đó là con của người chồng mới;
- Hai người ly hôn sau đó lại đổi ý muốn tái hôn;
- Người phụ nữ không còn khả năng sinh con;
- Người chồng mất tích trên 3 năm.
2. Quyền tài sản
Theo Điều 768 Bộ luật dân sự Nhật Bản thì khi ly hôn, vợ/chồng có quyền yêu cầu đối phương phân chia tài sản cho mình. Nếu các bên không thể thỏa thuận về việc phân chia tài sản thì một trong hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tòa án sẽ phân chia khối tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng trong khối tài sản và các yếu tố ảnh hưởng khác.
Theo nguyên tắc, tài sản chung sẽ được chia đôi. Người Nhật coi trọng công việc nội trợ của người phụ nữ trong gia đình như một một nghề chân chính nên một người vợ chỉ làm nội trợ tại gia khi ly hôn cũng có thể được chia nửa tài sản.
Tài sản được chia đó được coi là trả tiền ơn nghĩa vì vợ đã tận tụy chăm sóc cho chồng. Cần chú ý là thời hiệu yêu cầu phân chia tài sản là 02 năm kể từ ngày hôn nhân chính thức chấm dứt.
Pháp luật Nhật Bản đề cao sự chung thủy trong quan hệ vợ chồng khi quy định người nào ngoại tình dẫn đến ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ trả cho đối phương một khoản tiền từ 2 triệu- 5 triệu yên gọi là tiền bồi thường tinh thần.
Số tiền được hai bên thỏa thuận tùy thuộc vào tài sản của người có nghĩa vụ, nếu không thỏa thuận được thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Đây là khoản tiền bồi thường nên sẽ không bị đánh thuế.
3. Quyền nuôi con
Theo Điều 766 Bộ luật dân sự Nhật Bản thì trong trường hợp có con chung chưa đủ 20 tuổi thì các bên phải thỏa thuận các vấn đề về quyền nuôi con, thăm nom, nghĩa vụ cấp dưỡng và mọi vấn đề liên quan khác căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu bố mẹ không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Kể cả khi bố mẹ đã đạt được thỏa thuận thì Tòa án vẫn có quyền thay đổi nếu thấy nội dung về quyền nuôi con do các bên thỏa thuận không hợp lý.
Pháp luật ly hôn ở Nhật đặc biệt bảo vệ người phụ nữ và trẻ em bằng việc ưu tiên quyền nuôi con dành cho người mẹ và hạn chế quyền thăm con của bố để tránh xảy ra bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, những người đàn ông Nhật rất bận rộn, phải đi làm cả ngày nên ít có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái và nếu để bố gặp con thường xuyên thì sẽ ảnh hưởng tới cách giáo dục con của người mẹ.
Luật quy định người bố có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi con trưởng thành. Mức cấp dưỡng tùy thuộc vào thu nhập của bố. Tuy nhiên, một tình trạng xảy ra phổ biến ở Nhật đó là sau khi ly hôn rất nhiều người mẹ đem con đi biệt tích khiến người bố không bao giờ có cơ hội được gặp con mình và vì thế không thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Nhìn chung, luật ly hôn của Nhật Bản ưu ái bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền lợi này bằng những quy định khắt khe quá mức đã khiến cho người chồng gặp nhiều khó khăn và bất lợi khi ly hôn.
4. Thủ tục giải quyết ly hôn ở Nhật
Pháp luật Nhật Bản quy định 4 thủ tục tiến hành ly hôn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Các thủ tục đó là:
Ly hôn theo thỏa thuận
Hai bên có thể trực tiếp thực hiện thủ tục này tại văn phòng chính quyền địa phương hoặc gửi văn bản “Thông báo về việc ly hôn” đến văn phòng chính quyền địa phương nơi họ sinh sống để thể hiện sự đồng thuận chấm dứt hôn nhân giữa đôi bên. Thủ tục này được đa số các cặp vợ chồng lựa chọn vì thực hiện đơn giản, nhanh chóng và không cần sự tham gia của Tòa án.
Ly hôn theo hòa giải của Tòa án Gia đình
Nếu hai vợ chồng không thống nhất chấm dứt quan hệ hôn nhân, một bên có thể nộp đơn yêu cầu hòa giải tại Tòa án Gia đình. Trong quá trình hòa giải, một thẩm phán và hai trọng tài viên sẽ tư vấn về việc ly hôn cho các bên. Các vấn đề về quyền nuôi con và quyền tài sản cũng sẽ được đem ra thảo luận. Khi các bên thỏa thuận được với nhau thì Tòa án sẽ lập Biên bản hòa giải ly hôn để các bên nộp cho văn phòng chính quyền địa phương yêu cầu công nhận việc ly hôn.
Ly hôn theo phán quyết của Tòa án Gia đình
Thủ tục này thường được áp dụng khi các bên chỉ thỏa thuận được việc chấm dứt quan hệ tình cảm nhưng lại không thỏa thuận được các vấn đề liên quan tới quyền nuôi con và quyền tài sản. Để tiến hành thủ tục này, trước đó các bên phải trải qua thủ tục hòa giải ly hôn ở trên. Thủ tục này hiếm khi được lựa chọn bởi các cặp vợ chồng Nhật Bản.
Ly hôn theo phán quyết của Tòa án quận
Thủ tục này thường được áp dụng đối với trường hợp ly hôn đơn phương, khi các bên không thể thỏa thuận được về việc chấm dứt quan hệ tình cảm cũng như các vấn đề về quyền nuôi con và quyền tài sản. Khi tiến hành thủ tục này, người khởi kiện cần phải mời luật sư làm đại diện cho mình trong phiên tòa.
Hồ sơ gồm:
- Văn bản Thông báo về việc ly hôn có đầy đủ chữ ký và con dấu của 2 nhân chứng đã thành niên;
- Con dấu cá nhân của người yêu cầu giải quyết cho ly hôn;
- Bản sao hộ tịch/ Hộ chiếu;
- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn nếu cả hai bên là công dân nước ngoài;
- Bản sao giấy khai sinh của bất kỳ trẻ vị thành niên nào mà cặp vợ chồng có nếu cả hai bên là công dân nước ngoài.
Có thể nói, pháp luật mỗi quốc gia đều có những quy định riêng phù hợp với xã hội từng nước. Dù tiến hành thủ tục ly hôn ở đâu, điều cần thiết là bạn phải nắm rõ các quy định của pháp luật để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình, tránh không bị thiệt thòi. Khi có nhu cầu tư vấn, trợ giúp pháp lý ly hôn, bạn có thể liên hệ với dịch vụ ly hôn của Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự:
Địa chỉ: Phòng 324, số 142 đường Lê Duẩn, P. Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 043 200 7447
Hotline: 091 789 4567
Email: luatsulehonghien@gmail.com
The post Thủ tục ly hôn tại Nhật appeared first on Dịch vụ ly hôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét