Khi tình yêu đã hết, những giá trị trong đời sống hôn nhân không còn đạt được thì tỷ lệ xảy ra ngoại tình là rất cao. Pháp luật có những quy định về các hình thức xử phạt hành vi ngoại tình nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân 1 vợ 1 chồng. Người ngoại tình có thể bị xử lý như thế nào? Hãy tham khảo bài viết dưới đây.
1. Cơ sở của Pháp luật về ngoại tình
Tại điểm c, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”
Khái niệm hành vi chung sống như vợ chồng được giải thích tại mục 3 của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình như sau:
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Điều 182 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, người nào đã kết hôn mà lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa kết hôn mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người đó phải chịu các hình phạt khác nhau như: bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Khi hành vi ngoại tình chưa đủ điều kiện để cấu thành tội quy định tại Điều 182 trên đây thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng đối với hành vi:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
2. Thủ tục kiện ngoại tình
Người ngoại tình tùy theo tính chất và mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để việc ngoại tình có thể cấu thành tội phạm cơ bản theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 thì phải thỏa mãn các dấu hiệu sau:
- Có hành vi chung sống như vợ chồng: đã được giải thích chi tiết ở trên
- Có hậu quả xảy ra hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì ngoại tình không phải là các tranh chấp hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nên bạn không thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết việc ngoại tình của đối phương.
Nếu bạn muốn đối phương bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự khi ngoại tình, bạn cần làm đơn tố cáo/ đơn trình báo tới chính quyền địa phương nơi chồng/vợ bạn hoặc nơi người thứ 3 đang cư trú để yêu cầu xử lý. Hồ sơ gồm: Đơn tố cáo ngoại tình và chứng cứ gồm các giấy tờ hình ảnh tài liệu chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở.
Về chứng cứ ngoại tình phải đáp ứng được các yêu cầu chung của pháp luật về chứng cứ đó là khách quan, liên quan và hợp pháp. Như vậy, việc thu thập chứng cứ một cách bất hợp pháp sẽ không được Tòa án công nhận.
3. Nếu không còn tình cảm, ly hôn là một giải pháp
Việc pháp luật quy định những chế tài xử phạt hành vi ngoại tình nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, hành vi ngoại tình đã chứng tỏ hôn nhân có dấu hiệu lừa dối, phản bội, dù có bị xử phạt theo pháp luật thì tình cảm giữa hai người cũng không thể hàn gắn lại tình cảm như lúc ban đầu.
Khi đối phương ngoại tình, bạn có thể lựa chọn “bỏ qua” hoặc “bỏ đi”. Nếu cảm thấy có thể tha thứ, bạn hãy tiếp tục chung sống. Ngược lại, khi cả hai đã không còn tình cảm, bạn cảm thấy không thể tha thứ vì bị phản bội thì ly hôn chính là giải pháp tốt nhất.
Trong trường hợp bạn muốn ly hôn vì vợ/chồng mình có hành vi ngoại tình, bạn có thể lựa chọn tiến hành thủ tục ly hôn thuận tình hoặc ly hôn đơn phương. Khi ly hôn thuận tình, bạn có thể thỏa thuận với vợ chồng mình về việc ly hôn và nhờ Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Với ly hôn đơn phương, căn cứ để Tòa án giải quyết việc ly hôn cho bạn chính là việc đối phương ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một chồng làm cho đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.
Khi ly hôn trong trường hợp này, bạn cần có sự tư vấn pháp luật hoặc trợ giúp pháp lý của luật sư để tiến hành các thủ tục nhanh chóng, chính xác, chiếm được tối đa quyền lợi khi phân chia tài sản và giành quyền nuôi con.
Trên đây là những nội dung cơ bản về pháp luật xử phạt ngoại tình. Trong trường hợp còn những vướng mắc chưa rõ cần giải đáp hoặc cần sự trợ giúp pháp lý, hãy lập tức liên hệ với
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự
- Địa chỉ: Phòng 324, số 142 đường Lê Duẩn, P. Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội
- Điện thoại: 091 789 4567
- Máy bàn: 043 200 7447
- Email: luatsulehonghien@gmail.com
Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự tự hào không chỉ có kinh nghiệm lâu năm trong việc giải quyết các vụ án ly hôn trong thực tế mà các luật sư tư vấn ly hôn cũng như chuyên viên pháp lý của chúng tôi còn thấu hiểu cảm xúc cũng như tâm trạng của bạn khi đối mặt với những lựa chọn trước ngưỡng cửa ly hôn, chia sẻ và giúp bạn đưa ra những lời khuyên đúng đắn nhất.
The post Luật ngoại tình: Người ngoại tình có thể bị phạt tù lên đến 3 năm appeared first on Dịch vụ ly hôn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét